Trạng nguyên Giáp Hải
Giáp Hải, tự Tiềm Phu, hiệu Tiết Trai, sau đổi tên là Giáp Trừng, sinh vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Quang Thiệu thứ 2 (1517) đời nhà Lê, mất năm Bính Tuất, niên hiệu Đoan Thái nguyên niên (1586) đời Mạc Mậu Hợp, người xã Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn (nay thuộc thành phố Bắc Giang).
Năm Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính 9 (1538) triều Mạc mở khoa thi, Giáp Hải đậu Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên). Sau khi đậu ông từng giữ các chức Nhập thị Kinh diên, Thái bảo, làm Thượng thư của cả 6 Bộ kiêm Đông các, tước Sách quận công và từng nhiều lần được cử đi sứ sang Trung Quốc. Cuộc đời của Trạng nguyên Giáp Hải từng trải qua nhiều thăng trầm biến đổi của thời cuộc và ông đã được nhiều nhà nghiên cứu sau này đánh giá là một trong những tác gia chứng kiến sự suy đốn đến tột cùng của nhà Lê và sự nắm quyền chính sự của nhà Mạc.
Hầu hết các nguồn tài liệu và di sản văn hóa dân gian đều khẳng định tài năng và những cống hiến to lớn của Giáp Hải đối với triều đình nhà Mạc trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, ông nhiều lần được cử đi tiếp sứ nhà Minh, giải quyết vấn đề biên giới với tài ngoại giao xuất chúng, được vua quan nhà Minh thán phục và kính nể. Giáp Hải có tài làm thơ ứng đáp các sứ thần và chính ông đã soạn sách “Ứng đáp bang giao” gồm 10 quyển, chép các thư từ, biểu văn bang giao của các triều và bài thơ Vịnh Bèo (họa lại bài thơ của Mao Bá Ôn) của Giáp Hải, theo giáo sư Trần Quốc Vượng là một trong những bài thơ “ngoại giao” hay nhất trong kho tàng thi ca Việt Nam.
Quan hệ của Giáp Hải với quê hương và tình cảm của nhân dân quê hương đối với ông rất sâu nặng. Mối quan hệ này được thể hiện qua các di sản văn hóa dân gian. Đó là các nguồn tài liệu và di tích phản ánh về mối quan hệ của ông với Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) nhưng phong phú và đa dạng nhất vẫn là quê hương Dĩnh Kế.
Sử xưa đã có nhiều tài liệu như: Lich triều hiến chương loại chí, Công đá tiệp ký, Dã sử tạp biên, Đại nam kỳ truyện, Lịch đại danh thần sử trạng, Nam hải dị nhân, Nam thiên trân dị tập, Quang lãm danh ngôn tạp lục, Việt Nam danh nhân sự tích liệt truyện…đều cho rằng Giáp Hải quê ở Bát Tràng, quê ngoại ở làng Công Luận, làm con nuôi cho người họ Giáp ở Dĩnh Kế, nhờ mẫu thân không tham vàng rơi nên được một thầy địa lý phương Bắc đặt mộ tổ tiên vào nơi vượng phát để rồi ông học hành đỗ đạt cao.
Ngày 16 tháng 8 năm 1998, một phát hiện quan trọng có liên quan đến Giáp Hải đã được phát lộ, trong khi tiến hành làm đường giao thông nông thôn nhân dân Dĩnh Cốc đã phát hiện ra tấm bia đá hộp hay còn được gọi là sách đá: Tiên Khảo Thái Bảo Giáp phu quân mộ chí, khắc năm Cảnh Lịch thứ 3 (năm 1549), căn cứ vào nội dung văn tự Hán – Nôm khắc trên tấm bia này cho biết rõ về nguồn gốc quê hương dòng họ Giáp ở Dĩnh Kế. Từ đó mới có cơ sở đính chính lại những điều mà các tác giả và sử viết trước đây còn tồn nghi.
Theo nội dung tấm bia trên được biết cụ nội của Giáp Hải là Giáp Thuận Trung, gặp loạn nhà Minh, nhà ở phía Nam thành Xương Giang, vì không theo sự sai khiến của phu dịch của nhà Minh, lãnh cư ở xã Như Thiết Thượng, huyện Yên Dũng, rồi làm mục trưởng hương ấy, khi chết an táng tại đó. Ông nội của Giáp Hải là Giáp Bảo Phúc trở lại quê cũ lập nghiệp lấy bà họ Ngô năm nhâm dần niên hiệu Hồng Đức thứ 13 (1482) sinh ra Giáp Hà là phụ thân của Giáp Hải. Ngoài 3 người con trai (Giáp Hảng, Giáp Trưng, Giáp Thanh), Giáp Hà còn sinh được một trưởng nữ gả cho Quốc tử giám xá sinh Trần Địch Triết. Như vậy, Giáp Hải không phải là con nuôi mà là con đẻ đích thực của dòng họ Giáp cha là cụ Giáp Hà, huý Đức Hưng, hiệu Khánh Sơn sinh ở Dĩnh Kế.
Trạng nguyên Giáp Hải đã được dân gian mang danh quê hương là Trạng Kế. Nơi ông vẫn ngồi học thủa nhỏ cùng với hòn đá, giếng nước đều gắn với ông bằng những tên gọi thân thuộc. Hòn đá ông Trạng, núi ông Trạng, giếng ông Trạng…Và khi ông qua đời, nhân dân đã an táng, xây lăng quan Trạng, lập đền thời quan Trạng. Nhân dân và Nho sĩ hai huyện Phượng Nhãn – Bảo Lộc của phủ Lạng Giang xưa lập văn chỉ, khắc bia các bậc tiên hiền, của quê hương trong đó có Trạng nguyên Giáp Hải và con ông là tiến sĩ Giáp Lễ. Đặc biệt nhân dân Dĩnh Kế đã lập đền thờ quan Trạng, tổ chức tế lễ rước sách uy nghiêm trong ngày hội làng và rằm tháng 3 âm lịch hàng năm. Quan Trạng Giáp Hải được dân xã thờ phụng cùng với vị thần Cao Sơn – Quý Minh, với ngày hội lệ tháng 3 và việc thờ phụng được ghi vào hương ước của xã, vào bia ký ở đền và văn chỉ, xác định trạng nguyên Giáp Hải là người của quê hương Dĩnh Kế, người làm vẻ vang cho truyền thống khoa bảng của quê hương.
Những nguồn di sản trên đã chứng tỏ mối quan hệ, tình cảm gắn bó sâu sắc của Giáp Hải với quê hương Dĩnh Kế và sự nhớ ơn, ngưỡng vọng của nhân dân Dĩnh Kế với Giáp Hải. So với các địa phương Bát Tràng hay Công Luận thì Dĩnh Kế mới chính thực là quê hương của Trạng nguyên Giáp Hải, mà dân gian vẫn gọi thân thương là Trạng Kế - ông trạng của quê hương Dĩnh Kế.
Qua thời gian với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử - xã hội và tự nhiên, các di sản văn hóa dân gian về Trạng nguyên Giáp Hải đã bị mai một, hủy hoại. Nhiều truyền tích, chuyện kể, giai thoại, đại danh bị lãng quên, nhiều di tích, tài liêu, di vật bị hủy hoại, thất lạc. Vì vậy, những gì còn lại, thật sự đáng trân trọng, cần được bảo vệ, tôn tạo và phát huy.
Trạng nguyên Giáp Hải là danh nhân lịch sử, văn hóa tiêu biểu của dân tộc và quê hương Kinh Bắc. Vì vậy, cần tiếp tục sưu tầm nghiên cứu và giới thiệu về danh nhân Giáp Hải cho công chúng cả nước. Việc bảo tồn, dựng lại những công trình thờ phụng Trạng nguyên Giáp Hải trên quê hương ông là những việc làm có ý nghĩa thiết thực và lâu dài nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa và danh nhân trên quê hương Bắc Giang ngàn năm văn hiến.
Nguồn: BacGiang.net