Những đặc sản nổi tiếng của Bắc Giang
Du lịch là sở thích của rất nhiều người. Vậy bạn có phải là một người thích du lịch không? Bạn có thích ăn những món ngon ở khắp mọi nơi chứ? Hãy đến với Bắc Giang, một mảnh đất địa linh với rất nhiều danh lam thắng cảnh và món ăn ngon. Bạn hãy cùng BacGiang.net điểm qua một số món ngon của Bắc Giang nhé.
Vải thiều
Nhắc tới đặc sản Bắc
Giang bạn sẽ không thể không nhắc tới vải thiều. Vải thiều được trồng nhiều nhất
ở vùng Lục Ngạn - Bắc Giang. Quả vải thiều Lục Ngạn có đặc điểm khi chín có màu
đỏ, vỏ mỏng, hạt nhỏ, cùi dày khi ăn có vị ngọt đậm, hương vị đặc trưng của vải
thiều là điểm khiến bạn mê ly vùng đất Bắc Giang, ăn mãi không biết chán. Ngoài
vải tươi ở đây người dân còn sấy khô vải để giữ được hương vị của vải mà không
làm mất đi vị ngọt đặc trưng.
Bánh đúc Đồng Quan
Nếu ai có dịp thưởng thức
món bánh đúc ở thôn Đồng Quan, xã Đồng Sơn, Bắc Giang chắc hẳn đều lưu lại
trong mình dư vị của một món ăn dân dã, đậm đà hương vị quê hương, không nhiều
nơi có được. Bánh đúc làng Đồng Quan được nhiều người yêu thích bởi bánh vừa dẻo,
vừa mát. Miếng bánh đúc trắng ngần, bóng mịn, lấm tấm mấy hạt lạc bùi bùi, giòn
sần sật. Ăn bánh đúc phải chấm với tương bần, cái hương vị đó tất cả hòa quyện
thành vị quê nồng đượm.
Gà đồi Yên Thế
Một trong những đặc sản
nức tiếng ở Bắc Giang chính là gà đồi Yên Thế. Thịt gà đồi thường chắc, ngọt và
thơm chứ không nhão và dai như gà công nghiệp. Món gà đồi ngon nhất chỉ nên luộc
chín tới, thịt gà còn chắc, giòn để chấm với muối trộn lá chanh, nước luộc ngọt
lịm dùng để ăn kèm với cơm. Ở Bắc Giang đây là món được rất nhiều khách ưa chuộng.
Mỳ Chũ
Nói tới mỳ Chũ thì sẽ
không ở đâu có thể có và ngon như ở Bắc Giang. Mỳ Chũ được làm từ gạo Bao Thai
Hồng nên sợi mì dẻo, mịn. Và đặc biệt giống lúa Bao Thai Hồng phải được canh
tác trên đất đồi Chũ chứ không phải trồng ở dưới đồng. Mỳ Chũ được tráng mỏng,
cắt thành sợi như bánh phở, phơi khô và buộc thành từng bó nhỏ, thường được sử
dụng như mì ăn liền, có lẽ cách chế biến ngon nhất nên ăn mỳ Chũ trong bữa lẩu.
Bánh đa Thổ Hà
Bánh đa Thổ Hà được làm
tại xã Vân Hà huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang. Ở đây người dân làm bánh đa từ năm
1990 và giờ đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Bắc Giang. Bánh đa Thổ Hà nổi tiếng
nhờ vị thơm ngon từ nguyên liệu được chọn lọc kỹ càng. Có 2 loại bánh là bánh
đa nướng và bánh đa nem. Bánh đa nướng có màu vàng rộ, giòn tan khi ăn có vị
thơm bùi của vừng, của lạc. Còn bánh đa nem có màu trắng vừa phải, mềm dẻo, dai
và ngon có đường kính khoảng 40cm.
Chè kho Mỹ Độ
Chè kho Mỹ Độ là một
trong những món ăn truyền thống vào ngày tuần rằm hay dịp lễ tết. Chè có màu
vàng hơi sậm - màu của đỗ với những hạt vừng tấm trắng rang thơm được rắc lên mặt
đĩa chè. Hương đậu xanh, hương vừng, vị ngọt thanh của đường kính, vị béo
thoang thoảng của mỡ, chất đậm đà của đậu xanh hòa quyện vào nhau làm cho món
chè kho càng ngon hơn.
Bánh Vắt Vai
Nghe tên bánh vắt vai
chắc hẳn sẽ rất nhiều người không biết đây là loại bánh gì đúng không? Đây là một
món ăn độc đáo của người dân vùng Lục Ngạn. Nguyên liệu làm bánh vắt vai có gạo
nếp, đường, đậu xanh, lá chuối, rau ngải cứu... Gạo nếp nghiền nhỏ bằng cối xay
đá; lá ngải cứu luộc lẫn nước vôi trong cho bớt vị chát, đắng, sau đó nghiền nhỏ
trộn cùng bột nếp. Sau khi nặn và gói xong, bánh được luộc cách thủy khoảng hai
giờ đồng hồ, vớt ra để ráo nước là có thể dùng được.
Cua Da
Cua Da là loại cua thường
sống ở các vùng ghềnh đá cạnh sông Cầu, chỉ xuất hiện vào hai tháng mùa lạnh,
khi nhiệt độ xuống thấp. Đến với Bắc Giang vào khoảng đầu đông bạn sẽ được thưởng
thức món cua này. Cua da được chế biến thành nhiều món ăn ngon như cua rang muối,
canh cua nhưng có lẽ ngon nhất chính là món cua hấp bia. Khi cua chín có màu
vàng cam rất hấp dẫn. Thịt cua ngọt, lớp vỏ ở chân và càng cua khá mềm, chấm bột
canh pha mù tạt kèm nửa quả chanh vắt vào thì không gì thú vị bằng.
Xôi Ba Màu
Món xôi ba màu được chế
biến từ các nguyên liệu gồm lá cây cẩm đỏ, cây sau sau trên rừng, nghệ và gạo nếp
cái hoa vàng. Xôi ba màu là món được người dân Bắc Giang làm để cúng tổ tiên,
chào đón tổ tiên về phù hộ cho con cháu. Nguyên liệu chế biến xôi đều là những
loại lá rất có lợi cho sức khỏe nên càng được nhiều người ưa thích hơn.
Rượu Làng Vân
Cái tên rượu làng Vân
đã trở thành “thương hiệu” độc đáo và là niềm tự hào từ bao đời nay của người
dân tỉnh Bắc Giang. Rượu được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng cùng với men rượu
bí truyền của làng Vân được chế biến từ 36 vị thuốc Bắc quý hiếm và phải ngâm ủ
đủ 72 giờ. Rượu có màu trong văn vắt với hương vị êm dịu, lắng đọng đã chinh phục
cả những vị khách khó tính nhất.
Nham Cá
Món nham cá đã trở
thành món ăn không thể thiếu đối với người dân huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang.
Nguyên liệu làm nham cá rất đơn giản gồm trám đen, thịt ba chỉ, cá chép, rau
thơm, khế chua, lạc rang, rau húng... Ngoài ra còn có hành tiêu, chanh, ớt và một
số gia vị khác. Món nham ngon, đặc biệt nhờ hương vị của quả trám thơm, bùi, ngậy.
Nếu đến với Bắc Giang bạn có thể thử món này trong các nhà hàng ở huyện Hiệp
Hòa hoặc ở các khu chợ quê.
Xôi Trứng Kiến
Có lẽ rất nhiều người
chưa được thưởng thức hay nhìn thấy món ăn này. Xôi trứng kiến là một món ăn đặc
trưng của dân tộc Tày. Trứng kiến sau khi đã làm sạch, để ráo nước. Hành củ phi
thơm trong mỡ già rồi cho trứng kiến vào xào, nêm gia vị cho vừa ăn. Đảo đều
khi thấy dậy mùi thơm béo của trứng kiến và mùi thơm của hành là được. Khi xôi
chín tới, xới ra đánh tơi rồi trộn đều với trứng kiến. Bất kỳ ai một lần được
thưởng thức xôi trứng kiến cũng sẽ nhớ mãi hương vị của món ăn này.
Bún Đa Mai
Bún Đa Mai có sợi dẻo,
ăn mát, để cả ngày không chua lại trắng muốt như bột lọc. Bún Đa Mai có 4 sản
phẩm chính là: Bún rối, bún vẩy ốc, bún con ba, bún vẩy (còn gọi là bún lá) với
giá bán lẻ từ 12 đến 20 nghìn đồng/kg. Không chỉ là món ăn đặc sản của Bắc
Giang, nghề làm bún Đa Mai còn góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân
nơi đây. Hiện nay bún Đa Mai đã có chỗ đứng khá vững trên thị trường nhờ chất
lượng.
Cam Bố Hạ
Cam Bố Hạ là loại cam
sành thường được làm quà tặng, quà biếu vào đúng dịp gần Tết Nguyên đán. Cam có
vị ngọt, thơm và rất mọng nước. Loại cam này được trồng rất nhiều ở Bắc Giang,
đến tháng Mười hai âm lịch hằng năm rất nhiều người, nhiều thương nhân, lái
buôn đã đổ về khắp chợ Bố Hạ để thu mua loại cam này. Họ mua cả bãi, cả đống.
Mua hết tất cả những loại cam, quýt đạt chuẩn để mang ra khắp các tỉnh thành.
Bánh Đa Kế
Bánh đa được người dân
làng Kế làm ra hương vị đặc trưng không giống với bánh đa ở bất cứ nơi đâu.
Bánh đa Kế chính là một trong những món ăn đậm chất thôn quê Bắc Bộ. Nguyên liệu
chính để làm bánh đa Kế là gạo, phải chọn loại gạo ngon, để lâu ngày, khi ấy nhựa
gạo chuyển hoá thành một dạng thức khác, nó cô đọng và hoà tan vào những hạt gạo
trắng trong. Bánh đa được tráng mỏng hình tròn, phía trên có rắc mè đen hoặc mè
trắng rất hấp dẫn. Món ăn này nhâm nhi cùng chén trà xanh, chè đắng đều rất thú
vị.
Na Lục Nam
Na dai Lục Nam quả to,
đều, ngọt, mẫu mã quả đẹp, giữ được chất lượng tươi ngon lâu hơn các loại na ở
vùng khác nên được thương lái của nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Vĩnh Phúc,
Hải Dương, Lào Cai... đến thu mua tiêu thụ.
Sản phẩm na dai Lục
Nam đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận
đăng ký nhãn hiệu tập thể thương hiệu “Na Lục Nam”, mang lại nguồn thu nhập
đáng kể cho người dân địa phương.
Gạo Thơm Yên Dũng
Với điều kiện thổ nhưỡng
hằng năm được phù sa bồi đắp liên tục cộng với thời tiết thuận lợi nên miền quê
Yên Dũng từ lâu đã trở thành cơ sở nông nghiệp lúa nước mà khi nhắc đến cái tên
gạo thơm Yên Dũng ai cũng biết đến.
Nói đến gạo thơm Yên
Dũng phải kể đến những ưu điểm vượt trội như hạt gạo to đều, trắng ngần, khi nấu
lên hương thơm đặc biệt, ăn dẻo ngon hơn các loại khác rất nhiều.
Gạo thơm Yên Dũng không
chỉ chất lượng tốt mà còn mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Mỗi
ha lúa thơm cho thu nhập cao hơn 5 triệu đồng so với lúa thuần, trong khi chi
phí đầu tư không lớn cả về lượng thóc giống lẫn công lao động.
Dứa Lục Nam
Dứa Lục Nam thuộc tỉnh
Bắc Giang được nhiều người biết đến không chỉ bởi đây là nơi sản sinh ra số lượng
lớn nhất tỉnh mà quả dứa nơi đây có hình dáng rất đẹp, màu vàng tươi, quả to đều,
mùi vị thơm ngọt không chua.
Ở Lục Nam hình ảnh quả
dứa đã trở nên rất thân thuộc với mỗi người dân, nó giúp ích rất nhiều trong việc
cải thiện đời sống tạo ra công ăn việc làm. Bằng những phương pháp kỹ thuật và
chăm sóc chu đáo sản lượng cũng như chất lượng quả dứa nơi đây cũng ngày càng
được nâng cao
Chè Bát Tiên Sơn Động
Từ trước đến nay, người
dân Việt Nam đã quen với cái tên chè Thái Nguyên, chè Shan tuyết Suối Giàng. Mấy
ai biết rằng, trên đất Sơn Động, Bắc Giang cũng có một loại chè thơm ngon không
kém, có tên là Bát Tiên.
Chè Bát Tiên không có lắng
cặn và không làm mốc, ố, hay vàng ấm chén cho nên được thì trường ưa chuộng. Với
điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp nên giống chè Bát Tiên nơi đây phát triển
rất tốt, hương thơm hoa nhài đặc trưng lại có tác dụng thanh nhiệt.
Trong cái thời tiết se
se lạnh của nơi miền cao, được thưởng thức chén chè nóng tỏa khói hương lan tỏa
mang mùi thơm rất riêng không thể nhầm lẫn với bất kì một loại chè nào khác quả
là một điều thích thú vô cùng. Màu nước chè Bát Tiên Sơn Động trong xanh rất đẹp,
hương dịu nhẹ thoang thoảng, ấy mà nhấp một ngụm nhỏ lại có thể cảm nhận được sự
đậm đà quyến luyến nơi đầu lưỡi
Trên khắp đất nước Việt
Nam, miền quê, tỉnh thành nào cũng có những món ăn đặc sản riêng. Nếu bạn là
người yêu thích ẩm thực Việt Nam nhưng lại chưa được đến vùng đất Bắc Giang thì
hãy nhanh chân đến với vùng quê này nhé. Mình hy vọng bài viết trên sẽ giúp các
bạn biết thêm được nhiều món ăn ngon hơn nữa
Nguồn:
BacGiang.net